TRƯỜNG THPT TÔ HIẾN THÀNH TỔ CHỨC CHO CÁC TẬP THỂ LỚP ĐẠT THÀNH TÍCH CAO THAM QUAN, HỌC TẬP CÁC GIÁ TRỊ VĂN HÓA, LỊCH SỬ , THIÊN NHIÊN TẠI MỘT SỐ, DI TÍCH ,DANH THẮNG TRONG TỈNH.

Đăng lúc: 13:13:38 14/07/2020 (GMT+7)

Ngày  12 tháng 7 năm 2020, Trường THPT Tô Hiến Thành  đã tổ chức cho hai tập thể học sinh lớp 11C1 và 10A5 tham quan, học tập các giá trị văn hóa, lịch sử, thiên nhiên tại một số di tích, danh thắng trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Tham gia chuyến đi có đại diện Đoàn trường cùng giáo viên chủ nhiệm và đại diện hội cha mẹ học sinh hai lớp.

            Kết thúc năm học 2019-2020, tập thể lớp 11C1 đạt danh hiệu “ Lớp dẫn đầu thi đua toàn trường”, tập thể lớp 10A5 đạt danh hiệu “ Lớp tiến bộ nhất trong năm học”. Nhà trường tổ chức chuyến đi trên nhằm cụ thể hóa mục đích nâng cao chất lượng công tác thi đua khen thưởng, kịp thời động viên, khích lệ các cá nhân, tập thể phấn đấu vươn lên giành nhiều kết quả cao, đồng thời tạo cho học sinh sân chơi bổ ích, hoàn thiện các kĩ năng sống, kĩ năng giao tiếp, kĩ năng học tập và làm việc theo nhóm, bổ sung thêm kiến thức về thực tế cuộc sống.

chuyến đi.png
Học sinh được chuẩn bị an toàn trên chuyến đi

            Trước khi thực hiện chuyến đi, nhà trường đã yêu cầu các lớp cử phụ huynh đưa đón học sinh đến trường, cùng tham quan trải nghiệm với học sinh và đưa học sinh về nhà an toàn. Giáo viên chủ nhiệm các lớp được giao nhiệm vụ động viên, tư vấn học sinh tham gia, chịu trách nhiệm thu đơn ( kiểm tra, đối chiếu đảm bảo đúng chữ kí của phụ huynh), cung cấp thông tin của các phụ huynh cùng tham quan trải nghiệm, kết hợp với phụ huynh học sinh để quản lí lớp được phân công. Nhà trường cũng yêu cầu học sinh khi tham gia tham quan học tập phải có đơn, được sự đồng ý của cha mẹ, chấp hành nghiêm túc giờ tập trung và sự hướng dẫn của giáo viên chủ nhiệm, đại diện phụ huynh và hướng dẫn viên du lịch, trang phục gọn gàng, phù hợp với các địa điểm tham quan.

nhà hồ 1.png
Thành nhà Hồ

            Điểm tham quan đầu tiên của đoàn là Thành nhà Hồ. Qua giới thiệu của hướng dẫn viên, học sinh được bổ sung thêm kiến thức thực tế mà lâu nay còn chưa rõ. Thành Nhà Hồ là công trình kiến trúc bằng đá cổ độc nhất vô nhị ở Việt Nam, còn được gọi là Thành Tây Đô, Thành Tây Giai, Thành An Tôn, thuộc địa phận hai xã Vĩnh Tiến và Vĩnh Long (huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa), được Hồ Quý Ly cho xây dựng vào cuối thế kỷ 14, đầu thế kỷ 15, là kinh đô của nước Đại Việt - vương triều Trần từ năm (1389-1400) và kinh đô của nước Đại Ngu - vương triều Hồ từ năm (1400-1407). Thành Nhà Hồ vừa mang thần thái của phương Đông truyền thống, vừa in đậm dấu ấn của một cuộc cách tân đất nước. Chỉ trong khoảng ba tháng, thời gian quá ngắn ngủi và gấp gáp, Thành nhà Hồ đã được hoàn thành. Bức tường thành vĩ đại ấy đã đi qua sáu trăm năm tuổi, qua bao thăng trầm và biến cố nhưng vẫn vẹn nguyên đến tận bây giờ. Giá trị độc đáo nhất của Thành nhà Hồ là tòa kinh thành xây bằng đá... Tất cả nói lên một kỳ tích của con người, tài năng tổ chức, điều hành của công trình sư và lao động sáng tạo của các lớp dân phu, thợ thủ công các nghề làm đá, nung gạch ngói, xây dựng và trang trí...”. Ngày 27-6-2011, Thành Nhà Hồ được UNESCO chính thức công nhận là Di sản văn hóa thế giới. Thành Nhà Hồ là niềm tự hào của những người dân Thanh Hóa nói riêng và hàng triệu người dân Việt Nam nói chung. Các chuyên gia UNESCO xác nhận ở Đông Nam Á không có hoàng thành nào bằng đá như Thành nhà Hồ.

            Điểm dừng chân tiếp theo của đoàn tham quan là Khu di tích Quốc gia đặc biệt Lam Kinh (huyện Thọ Xuân, Thanh Hoá). Được biết, tại đây không chỉ giữ được nguyên vẹn những công trình của triều đại Nhà Hậu Lê, mà còn lưu giữ cả những câu chuyện truyền thuyết mang đầy màu sắc huyền bí của một triều đại phong kiến được coi là hưng thịnh bậc nhất trong lịch sử Việt Nam.Lam Kinh vốn là đất Lam Sơn, quê hương của anh hùng Lê Lợi (1385-1433), là nơi nghĩa quân Lam Sơn dựng cờ khởi nghĩa chống giặc Minh (1418-1428). Năm 1428, Lê Lợi lên ngôi hoàng đế (Lê Thái Tổ), lập nên vương triều Hậu Lê, đóng đô ở Thăng Long (Đông Kinh), mở ra thời kỳ phát triển mới cho quốc gia Đại Việt. Năm 1430, Lê Thái Tổ đổi tên vùng đất Lam Sơn thành Lam Kinh (Tây Kinh). Kể từ đó, các kiến trúc điện, miếu... cũng bắt đầu được xây dựng tại đây, gắn với hai chức năng chính: Điểm nghỉ chân của các vua Lê khi về cúng bái tổ tiên, đồng thời, cũng là nơi ở của quan lại và quân lính thư­ờng trực trông coi Lam Kinh; Khu tập trung lăng mộ của tổ tiên, các vị vua, hoàng thái hậu nhà Lê và một số quan lại trong hoàng tộc.

chính điện lam Kinh.png
Chính điện Lam Kinh

            Tại  đây có tồn tại truyền thuyết về cây ổi cười. Du khách chỉ cần dùng ngón tay cù nhẹ lên thân cây, thì toàn bộ cây ổi đều rung lên như có một cơn gió mạnh thổi qua. Không chỉ toàn thân cười khi có người chạm vào vào, cây ổi còn mang lại một cảm giác nhẹ nhõm khác lạ nếu du khách nắm tay vào cành và nhắm mắt lại tĩnh tâm.

học sinh tại Lam Kinh.png
Học sinh chụp ảnh lưu niệm tại Lam Kinh

            Nằm trong khu quần thể lăng mộ, có cây lim cổ thụ với tuổi thọ khoảng 600 năm tuổi, cao nhất nhì rừng Lam Kinh, được gọi bằng cái tên “cây lim hiến thân”.Chuyện kể lại rằng, cây lim đang xanh tươi, khỏe mạnh bất ngờ trút hết lá ra đi ngay khi dự án phục hồi phỏng dựng Chính điện Lam Kinh được phê duyệt năm 2010. Thân và cành lim được ước lượng đủ kích thước để làm một bộ gồm: cột cái, cột quân, cột góc và thượng lương để phục vụ Lễ phạt mộc khởi công cung điện vào tháng 10 cùng năm.Đường kính phần gốc cây lim trùng khớp với chân đá tảng cột cái (xấp xỉ 0,8m), phần ngọn khoảng 0,65cm, vừa với chân đá tảng cột quân. Những sự trùng hợp về kích thước này được đồn đoán rằng, dường như cây Lim sinh ra để thực hiện sứ mệnh của 600 năm sau đó là phỏng dựng lại cung điện cho hậu thế.

            Đó chỉ là hai trong số rất nhiều câu chuyện truyền thuyết mà du khách sẽ được trực tiếp trải nghiệm khi đến thăm Quần thể khu di tích Lam Kinh. Du khách không chỉ được sống trong không gian lịch sử, ngược dòng về quá khứ để tưởng nhớ đến một thời kỳ hưng thịnh bậc nhất trong lịch sử Việt Nam, mà còn được nghe những tích xưa, tận mắt chứng kiến chuyện lạ, như cách gọi của chính những người dân địa phương: “Quần thể di tích Lam Kinh là thế giới của những câu chuyện cổ tích được xây nên từ những linh khí của trời đất”

            Điểm dừng chân cuối cùng của đoàn tham quan  là Suối cá Cẩm Lương hay còn được gọi bằng cái tên quen thuộc là suối Cá Thần. Qua giới thiệu của hướng dẫn viên du lịch, đoàn được biết suối cá  xuất phát từ mạch nước nằm sâu trong lòng ngọn núi đá vôi Bồ Um. Hiện tại có  một đoạn suối ngắn là nơi sinh sống của đàn cá đông đúc, mà cho đến nay, vẫn chưa có một nghiên cứu mang tính khoa học nào, lý giải chính xác nguồn gốc hình thành suối cá và đàn cá.

cô trò suối cá.png
Giáo viên và học sinh chụp ảnh lưu niệm bên suối cá

            Chuyện kể rằng, từ rất xưa rồi trong vùng có đôi vợ chồng sống với nhau đến bạc đầu vẫn chưa có một mụn con. Một ngày nọ, người vợ ra ruộng xúc cá thì xúc được một quả trứng lạ. Mang về cho gà ấp thử, trứng liền nở ra rắn, khiến người chồng phải thả rắn xuống suối Ngọc. Thế nhưng, cứ đến tối rắn lại tìm về nhà. Từ đó, rắn sống cùng vợ chồng ông lão và bản làng cũng từ đó mà ngày càng ấm no, bình yên.Nhưng rồi một đêm trời mưa to gió cả, sấm chớp ầm ầm, sáng ra xác rắn đã dạt vào chân núi Trường Sinh. Dân làng được thần linh cho hay, chàng rắn vì đánh nhau với thủy quái về phá hoại bản làng mà chết, nên được thượng đế phong Thần, hiệu là “Tứ Phủ Long Vương”. Thương tiếc chàng Rắn, dân làng chôn chàng ngay chân núi và lập đền thờ ngay trên mộ chàng (vị trí đền thờ hiện nay). Ngôi đền cổ có tên đền Ngọc được xây dựng vào thế kỷ thứ XI, có các đạo sắc phong vào thời Lê và thời Nguyễn. Trải qua mưa ngàn gió núi, đền đã bị sập vào năm 1962 và sau nhiều lần được trùng tu, đền được khôi phục diện mạo như hiện nay.

phụ huynh cá.png
Phụ huynh học sinh ngạc nhiên trước sự đông đúc của đàn cá

            Cũng từ khi nhân dân lập đền thờ thần Rắn, suối Ngọc bỗng xuất hiện một đàn cá lớn, ngày đêm bơi qua trước đền như về chầu. Theo những người dân sinh sống lâu năm trong vùng, thì trong đàn cá có những con nặng tới 30kg và chỉ những dịp hiếm hoi, như khi nước lớn, chúng mới chui khỏi hang. Mặc dù mực nước thấp nhưng suối Ngọc hầu như không bao giờ cạn. Đặc biệt hơn là nước suối vẫn sạch sẽ, dù là nơi sinh sống của hàng ngàn con cá lớn nhỏ. Người dân trong vùng không ai dám bắt cá về ăn vì sợ thần linh trách phạt và cái tên Cá Thần hay suối Cá Thần cũng bắt đầu từ đó. Chỉ đến ngày tế lễ “Tứ Phủ Long Vương”, dân làng mới xin thần được thả xúc. Nếu con nào tự chui vào xúc là tự dâng mình cho thần, thì làng mới cử người mang về làm thịt tế thần. Lệ này có từ xưa và vẫn được duy trì đến ngày nay.

hai gv.png
Cô Phạm Thị Hà giáo viên chủ nhiệm lớp 11C1( bên trái ảnh) và cô Hoàng Thị Thảo giáo viên
chủ nhiệm lớp 10A5(bên phải ảnh) phấn khởi vì chuyến đi thành công

            Chuyến tham quan kết thúc an toàn, đạt nhiều mục đích. Em Lê Thị Mỹ Lộc, lớp trưởng 11C1 cho biết: “Em rất vui khi được tham gia chương trình. Thông qua những hoạt động bổ ích này sẽ giúp chúng em hiểu và thêm yêu di sản của quê hương”.  

            Chuyến đi đã đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng muốn tìm hiểu về thiên nhiên, lịch sử, văn hóa dân tộc Việt Nam của học sinh trong nhà trường; bồi dưỡng cho học sinh truyền thống yêu nước và tự hào về dân tộc Việt Nam, nhận thức được trách nhiệm của mình trong học tập, rèn luyện để xây dựng đất nước. Hy vọng rằng những cố gắng từ các hoạt động thi đua khen thưởng của nhà trường sẽ tạo nên những động lực mạnh mẽ để giáo viên, học sinh hai lớp nói riêng và toàn thể cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường nói chung  tiếp tục nỗ lực phấn đấu để tạo dựng nên những mốc son mới cho nhà trường, để tương lai THPT Tô Hiến Thành sẽ là địa chỉ giáo dục uy tín hàng đầu trên địa bàn thành phố Thanh Hóa anh hùng.

Tin bài: Lê Như Phương, Phó Bí thư Đoàn trường, Phó Ban nề nếp. 

 

Truy cập

Hôm nay:
1
Hôm qua:
0
Tuần này:
1
Tháng này:
0
Tất cả:
190858